Ẩm thực Việt Nam là “bức tranh được phối màu” giữa nguyên liệu phong phú, cách chế biến tỉ mỉ và các loại gia vị đậm đà. Riêng gia vị cũng có thể viết nên câu chuyện “nghìn lẻ một đêm” kể hoài không hết.
Mỗi miền đất đều có cho mình những câu chuyện riêng về ẩm thực. Miền Trung tạo dấu ấn với hương vị cay nồng đặc trưng, nói đến xứ Bắc là nhớ về sự tươi mát, thanh nhẹ, đến miền Nam không thể bỏ qua những đặc sản đậm đà.
Món phở miền Bắc đặc trưng bởi nước dùng mang hương thơm của quế, hồi, gừng nướng, quyện vào từng sợi phở. Đến dải đất miền Trung, mâm bánh bèo, nậm, lọc xứ Huế với từng chiếc bánh bột bọc nhân tôm, thịt cùng lớp mỡ hành và nước chấm đậm vị ớt cay khiến người dùng vừa ăn vừa xuýt xoa. Cơm tấm miền Nam lại “gây thương nhớ” bằng miếng sườn nướng bì và chả trứng béo bùi kết hợp nước mắm chua ngọt.
Với những người sành ăn, nước dùng phở sẽ không thể trọn vẹn nếu không có một chút nước mắm nêm ở bước cuối làm dậy vị. Mâm bánh Huế sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu thiếu chén nước chấm cân bằng vị giác. Cơm tấm dẫu đầy đủ “topping” cũng chẳng đủ sức giữ chân thực khách nếu thiếu chén nước chấm sánh kẹo chua ngọt.
Nước mắm không phải là tâm điểm trong từng món ăn nhưng lại không thể thiếu. Gia vị này đóng vai trò cầu nối giữa các nguyên liệu, tôn vinh giá trị của từng nguyên liệu đơn lẻ để mang đến trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ cho người thưởng thức.
Nước mắm ra đời từ sự sáng tạo của người dân sống ven đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Quy Nhơn, Phan Thiết, Phú Quốc, mỗi địa phương đều sở hữu bí quyết chế biến nước mắm riêng, tạo nên những hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn.
Tại Phú Quốc, nước mắm được làm theo bí quyết trăm năm của ngư dân với quy trình ủ chượp trong thùng gỗ, trở thành thứ nước mắm thu hút người dùng cả nước. Họ thường trộn cá cơm với muối tinh theo tỷ lệ 3 cá 1 muối ngay trên thuyền để bảo toàn độ tươi. Sau đó, quá trình ủ cá – muối diễn ra liên tục suốt 12 tháng trong thùng gỗ để cho ra những giọt cốt mắm thơm ngon nhất.
Là đơn vị sở hữu hệ thống nhà thùng quy mô lớn tại Phú Quốc, Masan Consumer vừa chú trọng gìn giữ cách làm cổ truyền vừa đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất. Nhà thùng có diện tích khoảng 22.000 m2 và gần 500 thùng gỗ chứa được đến 10.000 tấn cá, cho thấy sự đầu tư quy mô và nghiêm túc của ông lớn Việt trong ngành hàng thực phẩm – tiêu dùng nhanh.
Tại đây, cá cơm được tuyển chọn kỹ lưỡng theo hàng chục tiêu chí về độ tươi, độ khô và tỷ lệ cá tạp, kết hợp muối hạt từ Bà Rịa – Vũng Tàu và nước tinh khiết từ mạch ngầm trên đảo để ủ thành nước mắm. Cốt mắm tiếp tục được xử lý và đóng chai theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP), tạo ra những chai nước mắm với vị đậm đà mang hậu vị ngọt của cá tươi, mùi thơm đặc trưng và sắc nâu cánh gián.
Nước mắm là gia vị quan trọng để tăng sự đậm đà cho các món ăn. Kết hợp giữa nước mắm và các gia vị khác, như ớt, tỏi, tiêu… giúp bát nước chấm hay nước sốt cho các món ăn thêm đậm đà. Nhiều nghệ nhân ẩm thực cho rằng, sự kết hợp giữa nước mắm và các gia vị đặc sản địa phương có thể mang lại hiệu quả nâng tầm giá trị của những món ăn lên nhiều lần.
Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững, đồng thời quảng bá đặc sản vùng miền, góp phần đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường lớn hơn, Masan đã có nhiều hoạt động kết hợp nước mắm và các đặc sản địa phương.
Tháng 7 vừa qua, nhãn hàng Nam Ngư của Masan Consumer đã ký kết với UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và bà con nông dân về việc cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn. Thỏa thuận này bảo đảm đầu ra cho sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Tại lễ hội Mùa thu Hà Nội 2024, 63 món gỏi đặc sản từ khắp các vùng miền Việt Nam đã được trưng bày trên mô hình chai nước mắm Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn dài 6,5 mét. Với sự tham gia của 20 nghệ nhân và đầu bếp chuyên nghiệp, sự kiện đã thiết lập kỷ lục về số lượng món gỏi nộm.
Đại diện Masan Consumer cho biết, quảng bá đặc sản vùng miền là nỗ lực mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Không chỉ tỏi, thương hiệu còn lên kế hoạch đồng hành cùng bà con nông dân phát triển sản phẩm gắn liền đặc sản địa phương như gừng, ớt, tiêu, hành, nghệ.
Với chiến lược “Đưa ẩm thực Việt Nam ra toàn cầu” (Make Vietnamese Foods – Global Foods), Masan đã tham dự nhiều sự kiện giới thiệu cũng như xuất khẩu nước mắm và các gia vị đặc sản khác của Việt Nam tới người tiêu dùng quốc tế. Chiến lược này bên cạnh quảng bá văn hóa ẩm thực Việt còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm và cải thiện đời sống kinh tế cho bà con nông dân.
Nội dung: Diệp Chi – Ảnh: Masan – Thiêt kế: Thái Hưng